8.200 tỷ đồng cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên

Thị Trường
Đăng bởi Quản trị lúc 15:39, April 17, 2023

(Chinhphu.vn) - Ngày 23/2, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM tổ chức lễ khởi công dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.

Lễ khởi công xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên - Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Dự án cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương là 4.000 tỉ đồng, nguồn vốn ngân sách Thành phố là 4.200 tỉ đồng.

Công trình nhằm tiêu thoát nước mưa, chống úng ngập cho diện tích 14.900 ha của khu vực và các khu vực khác có liên quan. Đồng thời, chỉnh trang đô thị và cải thiện môi trường khu vực dự án, tăng cường năng lực giao thông, phát triển kinh tế - xã hội cho TPHCM.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị cho biết, đây là một trong những con kênh có chiều dài lớn của TPHCM. Nhiều năm qua các cấp chính quyền đã nỗ lực trong việc nạo vét, khơi thông dòng chảy, xử lý rác thải, tuy nhiên, việc đầu tư chưa đồng bộ dẫn đến các nỗ lực chưa thật sự phát huy hiệu quả, tuyến kênh bị ô nhiễm nặng. Do đó, việc triển khai dự án hứa hẹn sẽ tạo diện mạo mới cho khu vực nói riêng và TPHCM nói chung.

Tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên kết nối tỉnh Long An qua Sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn là dự án trọng điểm thuộc Đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2045 của TPHCM - Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Tại lễ khởi công dự án, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, dự án có nhiệm vụ thoát nước, chống ngập cho 7 quận, huyện (Quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Bình Chánh). Đồng thời, dự án cũng hình thành tuyến giao thông thủy - bộ kết nối TPHCM đi miền Tây và đi các tỉnh miền Đông, giúp giảm kẹt xe, phát triển du lịch và vận chuyển hàng hóa trên địa bàn.

Đặc biệt, dự án được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt đô thị, góp phần cải thiện đời sống, môi trường cho khoảng 2 triệu dân trong lưu vực rộng gần 15.000 ha, đáp ứng được sự mong mỏi của bà con nơi đây.

Do đó, ông Phan Văn Mãi đề nghị các sở ngành tập trung phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai. UBND các quận, huyện có liên quan tiếp tục vận động, tạo sự đồng thuận của người dân trong triển khai thực hiện dự án.

Đối với chủ đầu tư, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu phải tập trung chỉ đạo các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng. Theo đó, cần huy động đủ nhân lực, thiết bị thi công, vật tư,… và có kế hoạch thi công chi tiết, phối hợp chặt chẽ với các sở ngành, địa phương để đảm bảo hoàn thành dự án theo kế hoạch, đảm bảo chất lượng công trình, bảo đảm hiệu quả đầu tư, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi cho rằng, khi hoàn thành dự án chắc chắn sẽ tạo nên bước đột phá cho hạ tầng đô thị, thay đổi diện mạo cho Thành phố; hình thành tuyến giao thông đường thủy, đường bộ liên kết giữa các địa phương, là động lực phát triển kinh tế, xã hội, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ