Bảo đảm nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp

Xu hướng
Đăng bởi Quản trị lúc 15:25, July 25, 2022

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp xác định việc bảo đảm hoạt động các tuyến kênh mương, thủy lợi đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Ngành đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi tập trung nguồn lực từng bước đầu tư, nâng cấp, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi, chủ động nước tưới tiêu phục vụ sản xuất.

Hồ Cần Nôm tích nước bảo đảm đủ tưới vụ đông xuân và hè thu năm 2022

 Chưa xảy ra thiếu nước

Trên địa bàn tỉnh có 3 công trình hồ chứa phục vụ tưới sản xuất nông nghiệp là Cần Nôm, Đá Bàn, Dốc Nhàn. Ngoài ra, còn có hệ thống kênh tưới thuộc hệ thống thủy lợi hồ Suối Giai (tỉnh Bình Phước quản lý công trình đầu mối, tỉnh Bình Dương quản lý hệ thống kênh). Dung tích chứa của các hồ hiện nay từ 66,84% ÷ 92,86% dung tích thiết kế (hồ Cần Nôm 80,03%, Đá Bàn 67,19%, Dốc Nhàn 66,84%, hồ Suối Giai 92,86%).

Theo dự báo của các đơn vị quản lý khai thác, hồ Cần Nôm (huyện Dầu Tiếng), hồ chứa Suối Giai (huyện Phú Giáo) bảo đảm đủ nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2021-2022 và vụ hè thu năm 2022; hồ Đá Bàn, Dốc Nhàn (huyện Bắc Tân Uyên) chỉ đủ nước tưới vụ đông xuân, không đủ cho toàn bộ diện tích vụ hè thu năm 2022. Đối với nước sinh hoạt, đến thời điểm hiện nay, chưa xảy ra tình trạng thiếu.

Theo lãnh đạo Chi cục Thủy lợi, hiện công tác vận hành các công trình thủy lợi được các đơn vị quản lý khai thác thực hiện theo đúng quy trình quy phạm được duyệt, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả, bảo đảm cung cấp đủ nước tưới phục vụ nông nghiệp. Căn cứ tình hình nguồn nước, các đơn vị lập kế hoạch tưới chi tiết, cân đối, dự báo diện tích bảo đảm nước tưới của từng tuyến kênh của các công trình thủy lợi để phối hợp với chính quyền địa phương khuyến cáo người dân bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp. Thường xuyên kiểm tra, xác định mực nước hồ và lượng nước hồ còn lại trong suốt quá trình tưới để có phương án phân phối nước hợp lý và có biện pháp điều chỉnh kịp thời bảo đảm nguồn nước tưới.

Đối với các vùng tưới sử dụng nguồn nước triều, thường xuyên theo dõi tình hình xâm nhập mặn trên sông Sài Gòn, Đồng Nai để có biện pháp lấy nước phù hợp phục vụ sản xuất của nhân dân ven sông. Quản lý, vận hành điều tiết các cống dưới đê bao hợp lý để vừa bảo đảm phòng, chống xâm nhập mặn, vừa bảo đảm nước tưới phục vụ cây trồng. Đối với các khu vực chưa bị ảnh hưởng xâm nhập mặn (sông Đồng Nai), khai thác tối đa lợi thế của thủy triều, tranh thủ thời điểm triều cường, bơm nước cho các vùng phía đầu nguồn nhằm lấy nước phục vụ tưới.

Hiện ngành nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa trong việc vận hành xả nước qua tràn hồ Dầu Tiếng duy trì dòng chảy sinh thái trên sông Sài Gòn. Hiện nay, hồ Dầu Tiếng đang xả xuống sông Sài Gòn với lưu lượng 36m3/s, do đó xâm nhập mặn trên sông Sài Gòn sẽ không ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

Đồng bộ giải pháp phòng, chống hạn

Để chủ động phòng, chống hạn và hạn chế những thiệt hại do nắng hạn, thiếu nước gây ra, Chi cục Thủy lợi đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Ngọc Thìn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, cho biết chi cục thường xuyên cập nhật và thông báo tình hình khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn kịp thời cho các đơn vị, địa phương để phục vụ công tác phòng, chống hạn.

Mặt khác, Chi cục Thủy lợi đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh ban hành chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống hạn, nhiễm mặn và cháy rừng trong mùa khô năm 2022, triển khai đến các địa phương, đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi thực hiện. Chủ động lập kế hoạch, phương án phòng, chống hạn, nhiễm mặn và điều tiết nước tưới cho từng vùng, từng công trình; tăng cường các biện pháp bổ sung nguồn nước sinh hoạt, sản xuất; tổ chức vận hành tưới tiết kiệm, bảo đảm đủ nước tưới phục vụ cho sản xuất; khuyến cáo nhân dân xuống giống và chọn cây trồng phù hợp. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng nước tiết kiệm, giữ vệ sinh nguồn nước nhằm hạn chế tình trạng gây ô nhiễm; tổ chức phát quang, vệ sinh vườn cây, chủ động phòng, chống cháy trong vườn nhà, vườn cây công nghiệp.

Ngoài ra, chi cục phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa trong việc vận hành xả nước bảo đảm dòng chảy tự nhiên và đẩy mặn trên sông Sài Gòn trong mùa khô. Đồng thời, tuyên truyền các địa phương thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường biện pháp bổ sung nguồn nước sinh hoạt và sản xuất như nạo vét các giếng đào để tăng thêm nguồn nước tưới; tập trung máy bơm khai thác nước từ các sông suối, giếng khoan, giếng đào… hướng dẫn nhân dân áp dụng các biện pháp giữ ẩm như ủ rơm, cỏ, lá cây xung quanh gốc và sử dụng nước tưới tiết kiệm.

Riêng đối với hồ Đá Bàn, Dốc Nhàn, Trạm Thủy nông huyện Bắc Tân Uyên thường xuyên theo dõi mực nước hồ và lượng nước trong hồ còn lại trong suốt quá trình tưới để có phương án điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm. Nạo vét thông thoáng hệ thống kênh mương, kiểm tra, xử lý kịp thời các đoạn kênh bị bể, bị rò rỉ nước để tránh thất thoát nguồn nước.

 Chi cục Thủy lợi thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý ngay những sự cố hư hỏng các công trình thủy lợi; tập trung nạo vét, tu bổ hệ thống kênh mương do đơn vị, địa phương quản lý; tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả. Đặc biệt, có biện pháp giải quyết nước phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi cho nhân dân các vùng có khó khăn về nguồn nước.

Nguồn: baobinhduong.vn